Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Người đã cống hiến trọn đời mình cho dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đời làm cách mạng, Người đã hy sinh hạnh phúc riêng để chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân; tận tụy với sự nghiệp giải phóng, giữ gìn và phát huy sức mạnh Việt Nam. Trong đó, thế hệ thiếu niên, nhi đồng được Người đặc biệt quan tâm và dành cho tình thương yêu vô hạn.
Bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” - bài đầu tiên Bác viết cho thiếu nhi vào năm 1941, trong đó Bác khẳng định: “… Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan…”. Và với tinh thần lạc quan tin tưởng vào ngày cách mạng thành công, Bác khẳng định một cách chắc chắn: “… Bao giờ đuổi hết Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng…”
Ðặc biệt, trong bài thơ “Trẻ chăn trâu” viết năm 1942, bên cạnh sự cảm thông chia sẻ nỗi thống khổ của các em phải sống trong điều kiện khó khăn cùng cực, Bác còn chỉ ra nguyên nhân của sự thống khổ: “…Vì giặc Nhật, giặc Tây tàn bạo/ Khiến dân ta nước mất nhà tan/ Trẻ em cũng bị cơ hàn xót xa…”. Tuy Bác đã đi xa song những lời căn dặn, hành động, tình cảm của Bác sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí thiếu nhi nói riêng và mỗi người dân Việt nói chung.
Những tình cảm ấy của Bác đối với dân tộc đã khiến nhà thơ Tố Hữu phải thốt lên: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm trọn non sông mọi kiếp người”. Trong muôn vàn tình thương yêu của Bác Hồ dành cho “mọi kiếp người” có một tình yêu bao la, đặc biệt dành cho thiếu niên, nhi đồng. Sinh thời, Người từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Hình ảnh Bác Hồ bón cơm cho em nhỏ, hình ảnh Người vui Tết Trung thu với các em thiếu niên, nhi đồng thật gần gũi, giản dị mà chan chứa yêu thương.
Tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Người qua những bức thư, lời dạy, bài viết gửi thiếu niên nhi đồng cả nước nhân dịp Tết Thiếu nhi, ngày khai trường, Tết Trung thu... mãi mãi khắc sâu, trở thành tài sản vô giá đối với thế hệ măng non nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Từ xót xa ấy, từ nguyên nhân ấy, Bác đã vận động, giáo dục, giác ngộ các cháu phải hành động: “Vậy nên trẻ em nước ta/ Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh/ Người lớn cứu nước đã đành/ Trẻ em cũng góp phần mình một tay”. Tiếp đến Người kêu gọi các cháu hăng hái, tự nguyện tham gia Hội nhi đồng cứu quốc, một tổ chức của Mặt trận Việt Minh: “Nhi đồng cứu quốc hội ta/ Ấy là lực lượng, ấy là cứu tinh/ Ấy là bộ phận Việt Minh/ Dân mình khắc cứu dân mình mới xong”. Tình yêu thương của Bác không chỉ là xót xa mà đã trở nên cụ thể, mạnh mẽ và đầy thuyết phục.
Trong bức thư gửi trẻ em Việt Nam nhân ngày Tết Trung thu độc lập đầu tiên của đất nước, Bác đã bày tỏ tình cảm của mình đối với thiếu nhi bằng lời lẽ rất giản dị, thắm đượm tình thương yêu: “Các em vui cười hớn hở. Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Vậy đố các em biết vì sao? Bởi vì Già Hồ rất yêu mến các em”… Bức thư đã thể hiện được sự quan tâm, thương yêu hết mực của người đứng đầu Ðảng và Nhà nước ta đối với trẻ thơ - chủ nhân tương lai của đất nước.
Mỗi bài thơ, bức thư, câu nói của Bác, bên cạnh tình yêu thương bao la còn là những lời chỉ bảo, dặn dò từng li từng tí đối với thiếu nhi: Sinh thời, Bác đã chăm lo, dạy dỗ các cháu từ việc nhỏ đến việc lớn: “Các cháu phải chăm ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy phải kính trọng, lễ phép, đối với bạn phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”, “Giữ kỷ luật, chớ tự do phóng túng vì tự do phóng túng là không tốt”, “phải biết gắng, gắng giúp đỡ thương binh và gia đình các chiến sĩ”, “phải yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động”, “phải thật thà, dũng cảm”, “việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Tuổi các cháu còn nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to”, “Mong các cháu mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do”… Người động viên, nhắc nhở thế hệ trẻ cố gắng vươn lên trong cuộc sống mới, cuộc sống của người dân một nước độc lập, tự do: “Thanh, thiếu nhi cần thực hành đời sống mới. Phải cương quyết, không sợ khó, không sợ khổ, phải siêng học, siêng làm”.
Thơ chúc Tết Trung thu là một trong những nét đặc sắc của thơ Bác. Tùy theo điều kiện hoàn cảnh của đất nước mà Bác có thơ chúc Tết Trung thu với những lời dạy bảo ân cần, chia sẻ, chăm sóc chu đáo phù hợp với tình hình nhiệm vụ cách mạng. Nhân dịp Trung thu năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của nhân dân ta đi vào giai đoạn phản công, trong niềm vui chung ấy, niềm yêu thương của Bác đối với thiếu niên, nhi đồng đã được bộc lộ bằng vần thơ tha thiết yêu thương: “...Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung…”. Tết Trung thu năm 1952, Bác Hồ lại viết thư gửi tới tất cả các cháu thiếu nhi trong và ngoài nước. Cuối thư Bác làm thơ, một bài thơ mà tất cả chúng ta đều không thể nào quên: Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh/ Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh xinh/ Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tuỳ theo sức của mình/ Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh.
Tết Trung thu năm 1953, vui sướng về những chiến thắng vang dội của quân dân cả nước trong sự nghiệp kháng chiến của dân tộc, trong đó có sự đóng góp rất tích cực của trẻ em, Bác lại làm thơ: Chín tết trung thu/ Tám năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gửi thư chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần...Và Bác kết luận: Các cháu vui thay/ Bác cũng vui thay/ Thu sau so với thu này vui hơn. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ mở ra cho dân tộc Việt Nam một trang sử mới. Nhưng đất nước vẫn bị chia cắt hai miền.
Người đã đặt niềm tin yêu vào những chủ nhân tương lai của đất nước, rằng: “… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu…”. Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, hướng vào Nam, khi nhân dân “thành đồng Tổ quốc” đang ngày đêm sống rên xiết dưới gót giày của đế quốc Mỹ và tay sai, nỗi thương nhớ các cháu thiếu nhi miền Nam luôn cồn cào trong tim Bác. Trong thư gửi các cháu miền Nam năm 1965, Bác ao ước: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.
Bác Hồ của chúng ta là vậy: “Chỉ biết quên mình cho hết thảy/Như dòng sông đỏ nặng phù sa”. Tình yêu thương rộng lớn của Bác Hồ không chỉ dành cho thiếu nhi Việt Nam mà còn dành cho cả thiếu nhi trên toàn thế giới. Ðó là lòng nhân ái, tình yêu thương bao la của Người dành cho nhân loại. Ghi nhận tình cảm bao la, vĩ đại của Bác, Tiến sĩ Sử học, nhà báo E.V Cô-bê-lép viết: Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng yêu quý thiếu nhi. Người đã dành tất cả tấm lòng yêu thương của người ông cho hàng triệu trẻ em Việt Nam mà Người đã gọi trìu mến là các cháu.
Dù Bác đi xa nhưng những vần thơ của Bác vẫn sống mãi với thời gian, thấm đẫm tình yêu thương bao la của Người đối với các thế hệ mầm non đất nước. Ngày nay cứ mỗi dịp Quốc tế thiếu nhi hay Tết Trung thu về, nhớ ơn Bác, toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng với danh hiệu “cháu ngoan Bác Hồ” như sinh thời Người hằng mong.
Nguyễn Thanh Hoàng
(Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ)